Những điều phải hiểu chính xác khi dùng kem chống nắng (Phần 1)

Chào cả nhà!

Đệ Nhất Sắc không lạ gì việc nhiều bạn mua sản phẩm kem chống nắng thường chọn loại có SPF cao hay chỉ nghĩ mùi kem, giá kem ok không là đủ. Tuy nhiên, đối với một loại sản phẩm mang tính chất “nên đầu tư nhất” trong Skincare như kem chống nắng thì việc lựa chọn lại phải đầu tư nghiên cứu hơn nữa.

Trong bài viết lần này, Đệ Nhất Sắc đưa hết khả năng cũng như kinh nghiệm sau bao lần phân tích và thử dùng (nói đúng ra là mất tiền học phí) kem chống nắng, từ hàng của Pháp, Mỹ, Hàn, Nhật.

Bài viết này cũng sẽ định hình lại cho các bạn về cách nhìn nhận các chỉ số, các khái niệm cần hiểu chính xác về kem chống nắng. Vì thế, nếu bạn chưa tìm được loại kem thật sự mang lại hiệu quả cao cho bạn thì đừng bỏ qua bài viết này nhé. Có thể nó sẽ giúp bạn nhìn nhận lại và có lựa chọn đúng hơn cho bản thân.

Tia cực tím và tác động của nó tới da

Trong ánh sáng có chứa tia cực tím, chiếm tới 80% nguyên nhân lão hóa da. Những tia cực tím này làm phát sinh những oxy hoạt tính (free radical) làm tế bào bị oxy hóa. Các oxy hoạt tính này làm tăng nguy cơ lão hóa (xuất hiện các vết thâm, nám, tàn nhang) và thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, tiểu đường do tuyến hoocmon insulin bị oxy hóa.
Tia cực tím chứa 3 loại: UVA, UVB và UVC. Tuy nhiên UVC là tia cực tím yếu nhất, bị giữ lại hầu hết ở tầng ozon nên chúng ta có thể bỏ qua nó. Còn 2 tia nữa cực kỳ nguy hiểm:
Các loại tia trong ánh nắng

Tia UVA ( Ultraviolet A Tia cực tím bước sóng A_400-320nm)

Tin đáng buồn là loại tia đặc biệt nguy hiểm này chiếm 95% lượng tia cực tím. Tia có bước sóng dài, thâm nhập sâu vào trong da tới tận lớp bì. Khi tia này xuyên qua lớp biểu bì da, nó sẽ làm hư hại lớp đáy của biểu bì, tăng sản sinh sắc tố melanin (gây thâm, nám, sạm, tàn nhang), đồng thời phá hủy các tế bào langerhands gây suy giảm miễn dịch của da. ĐIều này thấy rõ khi bạn ra ngoài nắng mà không sử dụng biện pháp bảo vệ nào, bạn sẽ thấy các vết thâm, tàn nhang hoặc nám trên da đậm màu hơn hẳn khi bạn ở trong nơi ít ánh sáng do UVA làm da tự sản sinh melanin nhiều hơn (cơ chế tự bảo vệ của da). Và vì bước sóng rất dài và cường độ mạnh, nên tia UVA tiếp tục xuyên sâu đến lớp biểu bì, xâm nhập vào lớp bì làm biến tính các collagen và elastin, gây nên nếp nhăn. Cũng bởi bước sóng dài nên UVA có thể xuyên qua mọi chất liệu (kể cả là bê tông), bởi vậy dù bạn ở trong nhà thì vẫn có UVA tác động vào da. Đó là lý do cho dù bạn ngồi trong nhà cả ngày thì da vẫn bị sạm, thâm, nám nếu không dùng kem chống nắng và các biện pháp dưỡng da.

Tia UVB ( Ultraviolet Tia cực tím bước sóng B 320 – 280 nm)

Có tính gây tổn thương da, gây hiện tượng đỏ rát, bỏng da và cháy nắng. Nếu thời gian tiếp xúc với tia này nhiều thì sẽ khiến da bị sưng phù, lâu hơn có thể làm cơ thể bị đau nhức và sốt (một phần lý do mà bạn đày nắng nhiều dễ bị sốt). Tia này xuyên qua lớp biểu bì, khoảng 10% đến được lớp bì. Tác động của tia UVB đến da mạnh so với UVA, là nguyên nhân gây tổn thương da, ung thư da và tổn thương mắt. Tuy nhiên, tia này chỉ tác động lên da khi bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Bảng UV xác định cách bảo vệ da khỏi nắng

Bảng UV xác định cách bảo vệ da khỏi nắng

Các loại kem chống nắng cần phải biết

Kem chống nắng vật lý (KCNVL) – thường là sunblock

Đã gọi là vật lý thì bạn cứ hiểu là kem chống nắng chỉ nằm trên bề mặt da, với cơ chế hoạt động là tạo ra lớp khiên khiến tia UV bị bật ngược trở lại mà không thâm nhập vào da được. Bạn cứ hình dung trời mưa ra ngoài bạn mặc áo mưa, nước mưa gặp áo mưa mà chảy xuống chứ không thấm vào người bạn.
Trong KCNVL, các thành phần “active” là Zinc Oxide và Titanium dioxide. Các chất này bảo vệ da khỏi tia UV rất vững chãi.
Ưu điểm loại này là: không thấm vào da, chỉ bọc bên ngoài nên rất lành tính và an toàn cho da cũng như sức khỏe, bền vững dưới nắng.Tạo lớp phản quang nên có tác dụng ngay khi bôi không cần phải bôi trước 30p như loại hóa học.
Tuy nhiên, nhược điểm lại là: Để lớp kem này có tác dụng thì ta cần phân bổ các hạt khoáng chất này đều và đủ. Điều quan trọng nhất khi sử dụng sunblock chính là bôi đúng và đủ. Nếu bạn bôi quá mỏng, lớp áo này trở nên vô ích. Bạn đi dưới trời mưa bão 100mm mà bạn mặc cái áo ni lông 10K bán ven đường ấy thì bạn nghĩ bạn có ướt không? :v
Một tin nguy hiểm nữa là không phải ai cũng biết sử dụng liều lượng vừa đủ, dùng nhiều thì lãng phí, mà dùng ít không hiệu quả thì lại càng phí.
Còn nữa sunblock tạo nên một lớp bề mặt trắng xóa trên da và có khả năng gây bóng nhờn. Dễ hiểu là bạn cứ đeo một lớp mặt nạ cả ngày thì mặt bạn bí đổ dầu là điều tự nhiên.
Chờ đã, có một tin vui là công nghệ mỹ phẩm hiện đại ngày nay giúp các hạt khoáng được nghiền nhỏ hơn nên lớp kem chống nắng vật lý chỉ còn lại một lớp trắng mỏng. Có điều, nếu da bạn là da dầu, hỗn hợp dầu thì khả năng lớn là lớp kem chống nắng này sẽ bị chảy, dễ gây nên các vệt trắng loang lổ. Nếu bạn trang điểm thì có thể che được điểm này đi, nhưng nếu chỉ dùng kem chống nắng là bước cuối cùng thì sunblock không thực sự là lựa chọn tối ưu cho làn da hỗn hợp đến thiên dầu.

Kem chống nắng hóa học (KCNHH) – sunscreen

Là loại kem chống nắng phải thẩm thấu vào da thì mới chống được tia UV. Cơ chế hoạt động bằng cách thấm vào da chứ không bọc bên ngoài. Khi ấy, tia UV xuyên vào da sẽ bị các chất trong sunscreen vô hiệu hóa. Từ đó mà UV không còn có cơ hội xuyên thấu sâu vào lớp biểu bì da để gây tổn thương da nữa. Các thành phần “active” của nó là octinoxate, octisalate, octocrylene tinosorb, oxybenzone, avobenzone, mexoryl…
Ưu điểm lớn nhất của nó là khiến da bạn đỡ bí, bớt bóng dầu và vệt trắng.
Tuy nhiên để nó ngấm vào da bạn nên phải bôi 30 trước khi ra ngoài nó lại không bền vững, nó cũng không bền vững nên bạn thường xuyên phải bôi lại (khoảng 2-3h sau khi tiếp xúc trực tiếp với nắng, còn nếu bạn chỉ làm công sở, ngồi máy tính cả ngày trong văn phòng, ra ngoài vào mỗi tẹo vào buổi sáng thì mình nghĩ thoa kem chống nắng 1 lần/ngày là đủ để bảo vệ da).

Kem chống nắng còn chứa cả thành phần chống nắng vật lý và thành phần chống nắng hóa học

Mỗi loại trên đều có ưu nhược riêng vì thế để hạn chế nhước điểm, tối ưu ưu điểm các nhà sản xuất mỹ phẩm đã tìm cách kết hợp hai loại trên thành một loại kem chống nắng mới.
Loại này cực kỳ ưu việt, được sử dụng rộng rãi từ rất nhiều năm trước đây ở châu Âu, Úc và Nhật Bản: Tinosorb S và Tinosorb M. Ngoài ra còn có Meroxyl cũng có tác dụng tương tự Tinosorb. Các thành phần này mang đặc tính của cả kem chống nắng vật lý và hóa học, vừa giúp che chắn lại vừa hấp thụ và khuếch tán các tia UV gây hại. Vượt trội hơn ở điểm Meroxyl và Tinosorb có phổ chống nắng cao giúp bảo vệ da khỏi cả hai loại UVA và UVB. Ngoài tính bền vững của Meroxyl và Tinosorb, chất này còn làm ổn định các thành phần chống nắng hóa học khác dễ bị thoái hóa dưới nắng, điển hình là avobenzone và octinoxate. Thế nên, kem chống nắng nào mà chứa Meroxyl Tinosorb thì cực kì tuyệt vời, vừa có tính thẩm mỹ cao, không gây màng trắng thành vệt trên da, không bí bách khó chịu da, vừa giúp sản phẩm bền vững và giảm bớt đi nỗi lo phải thoa kem lại liên tục.
Bạn sẽ tìm thấy những kem chống nắng cực kỳ ổn như SK II, Kose, Shiseido, Vichy, La Roche Posay, Avene, Bioderma,… Sản phẩm của Kose, Shiseido kết hợp được cả Meroxyl và Tinosorb. Chưa tính trong các sản phẩm này còn chứa các thành phần truyền thống điển hình của kem chống nắng vật lý và hóa học kể trên. Có điều sản phẩm của Nhật và Hàn (đặc biệt là Hàn) và số ít các sản phẩm Âu thường có cồn nên có thể sẽ kích ứng với một số làn da nhạy cảm với cồn. Tuy nhiên, cồn ở mức độ nào, và cách hạn chế tác động của cồn trong các sản phẩm lại khác nhau. Bạn nên tìm hiểu bài viết này của Đệ Nhất Sắc .
Nếu bạn chọn một trong số các sản phẩm chống nắng này thì cơ bản là bạn có thể yên tâm là làn da mình được bảo vệ khỏi tia UV ở mức cao nhất, nhưng chú ý để chọn loại phù hợp với da mình nhé.

SPF của kem chống nắng càng cao thì bảo vệ da càng tốt liệu có đúng?

SPF của kem chống nắng là gì?

Chỉ số SPF (Sun Protection Factor), là thước đo số giờ trung bình làn da được bảo vệ của kem chống nắng khỏi tia UVB – loại tia cực tím gây ra cháy nắng da và góp phần gây ung thư da.
Chỉ số SPF có trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Theo định mức quốc tế, thì 1 SPF sẽ có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút. Điều này đồng nghĩa với việc 1 loại kem chống nắng có chỉ số SPF là 15 sẽ hoạt động hiệu quả trong vòng 150 phút, còn SPF 50 là 500 phút.

SPF của kem chống nắng càng cao thì bảo vệ da càng tốt chỉ đúng một nửa?

Muc_do_bao_ve-cua_SPF_trong_kem_chong_nang

Vì sao Đệ Nhất Sắc lại nói vậy, có phải bạn thường nghe nói SPF càng cao thì bảo vệ da càng tốt có đúng không? Vậy tại sao người ta chỉ sản xuất kem chống nắng có SPF đến 100 hay loại kem chống nắng thông dụng nhất có SPF từ 30 đến 50 mà không phải là 120, 500 hay 1000??? Bạn có biết, tốt quá sẽ thành hại không hãy nên nhớ rằng bất cứ một cái gì cũng chỉ cần lượng thích hợp đủ để mang lại hiệu quả tốt, còn nếu quá liều tốt sẽ thành xấu. OK, có thể bạn vẫn chưa rõ, để Đệ Nhất Sắc giải thích cụ thể.

SPF càng cao nó chỉ mang lại thời gian bảo vệ da bạn dưới nắng mặt trời được lâu hơn so với kem chống nắng có SPF thấp hơn chứ thật ra giữa các SPF khác nhau nó không quá chênh nhau về khả năng chống lại các tia có hại trong ánh nắng mặt trời. Ví dụ như thế này cho dễ hiểu: với SPF 15 thì ngăn được khoảng 93 % tia UV B trong khi với SPF 60 thì cũng chỉ lọc được 97 %. (Xem kỹ ở biểu đồ trên)

Một thực tế nữa là kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF cao thường tập trung vào việc chống UV B hơn là UV A.

Vậy cái hại cụ thể khi chọn kem chống nắng có chỉ số SPF quá cao ở đây là gì?

Bạn có từng nghĩ bạn để một loại kem dễ gây bí lỗ chân lông ở trên da của mình quá lâu không, tới tận cả ngày khi mà bạn chỉ cần giữ nó trong khoảng thời gian nhất định vào ban ngày?

Khi để kem chống nắng quá lâu trên da nó sẽ bịt kín các lỗ chân lông của bạn, kết hợp với bụi bẩn mà bạn tiếp xúc hàng ngày, cộng hưởng với chất đào thải do bị bịt kín nên không thoát ra ngoài được, ôi thôi, một mớ bòng bong trên da làm cho da không có cách nào để thở dẫn đến lão hóa nhanh, xuất hiện mụn đầu đen, mụn bọc, mụn mủ tùm lum, da bị tổn thương trầm trọng. Chưa kể da bạn nào thuộc tuýp nhạy cảm hay nhờn mụn thì cứ xác định mụn sẽ nổi tùm lum trên mặt nếu chọn kem chống nắng có SPF quá cao.

Chọn kem chống nắng có chỉ số SPF bao nhiêu là tốt?

Cách tính độ dài thời gian bảo về da của kem chống nắng theo chỉ số SPF như trên chỉ là theo lý thuyết các bạn nhé. Trên thực tế, kem chống nắng không bền vững lâu như nó được tính toán. Vì những yếu tố như mồ hôi, tiếp xúc với nước, sự đổ dầu trên da, lượng kem chống nắng không đủ….khiến cho khoảng thời gian chống nắng không bao giờ được 300-500 phút cho 1 lần thoa cả . Bởi vậy mới có chuyện, chúng mình nên thoa kem chống nắng lại sau 2-3 tiếng nếu hoạt động trực tiếp dưới nắng lâu. (Xem kỹ bảng phân tích cách sử dụng kem chống nắng với các chỉ số SPF dưới nhé).
bảng phân tích cách sử dụng kem chống nắng với các chỉ số SPF

Bảng phân tích cách sử dụng kem chống nắng với các chỉ số SPF

Khi ra ngâm tắm ngoài bãi biển, bạn nên chọn loại không thấm nước hoặc kháng nước (waterproof hoặc water resistant). Tuy nhiên, chúng cũng chỉ bảo vệ được 40-80 phút khi ngâm trong nước, vì vậy, sau khi tắm, cần bôi lại kem chống nắng thì mới đạt hiệu quả như mong muốn.
Ngoài ra, người da trắng do tế bào sắc tố của da ít nên rất dễ bắt nắng vì thế cần dùng kem chống nắng có chỉ số cao hơn người da vàng và da đen. Đồng thời với họ 1spf cũng chỉ khoảng được 5p thôi, không 10p như đa số người Việt mình.  Đó là lý do mấy anh chàng cô nàng Tây cứ ngồi hoặc đi dưới nắng chốc chốc lại mang kem chống nắng ra thoa cho nhau. Đệ Nhất Sắc nghĩ chắc kem chống nắng là loại sản phẩm không bao giờ thiếu của người Tây da trắng rồi. Đặc biệt mấy nước Tây cũng sản xuất quá trời kem chống nắng với lại nhiều loại tốt.
Các chuyên gia da liễu khuyên rắng người dân thuộc vùng nhiệt đới như Việt Nam nên dùng các loại kem chống nắng có chỉ số từ SPF 30 đến SPF 50 là ổn nhất.
Tuy nhiên, Đệ Nhất Sắc lưu ý rằng, ở miền nam hầu như nắng nóng quanh năm, nên các tín đồ làm đẹp nên xài loại kem chống nắng có SPF 30 trở lên. Những sản phẩm có chỉ số chống nắng SPF nhỏ hơn 30 sẽ chỉ làm tiêu hao túi tiền của bạn và mang lại hiệu quả không như mong đợi. Các chỉ số SPF rất cao (60 – 100) chỉ nên sử dụng ở những vùng da đặc biệt như đang điều trị nám hay dị ứng ánh nắng.
Còn ở miền Bắc có mùa thu và đông tương đối ít nắng, nắng nhẹ, trời lạnh âm u, ít ra mồ hôi nên các bạn tốt nhất chọn loại 15-30 cho mùa này. Đừng làm da thêm quá bí nhé. Còn nữa bạn nào da nhạy cảm cũng không nên dùng loại kem chống nắng có SPF khoảng 40-50. Bạn nào chăm thoa kem hoặc không phải tiếp xúc với ánh nắng lâu thì cứ chọn 15-30 thôi nhé. (cái này Đệ Nhất Sắc có hẳn một bài riêng về kem chống nắng cho từng loại da).
Với công việc phải thường xuyên đi ra ngoài nắng, da thuộc dạng bình thường Đệ Nhất Sắc khuyên bạn nên sử dụng loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 50 – 60.
Bài này khá dài nên Đệ Nhất Sắc tạm thời dừng lại ở đây.
Đệ Nhất Sắc sẽ cập nhật những chỉ số như PA, những sai lầm thường gặp khi dùng kem chống nắng ở phần 2. Bạn quan tâm vui lòng bấm lick sau để đọc tiếp nhé.

No Comments

Add your comment